Căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ và những toan tính chiến lược toàn cầu
Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang trải qua một giai đoạn căng thẳng chưa từng có. Dù tổng kim ngạch vẫn lớn, nhưng xu hướng giảm dần đang phản ánh rõ ràng sự chuyển dịch trong cấu trúc kinh tế và chiến lược của cả hai bên. Cuộc đối đầu không đơn thuần là thương mại mà đã trở thành ván cờ địa chính trị với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Vậy, ai mới thật sự đang “sợ” ai? Và đâu là cơ hội, cũng như thách thức cho các quốc gia đứng giữa như Việt Nam?

Quy mô thương mại Trung – Mỹ: Vẫn lớn nhưng đang thu hẹp
Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ đạt 582,4 tỷ USD, trong đó Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 438,9 tỷ USD nhưng chỉ xuất khẩu được 143,5 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 295 tỷ USD. Điều này cho thấy Mỹ vẫn phụ thuộc rất lớn vào hàng hóa giá rẻ và sản xuất hàng loạt của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc có phần chủ động hơn trong việc giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Trung Quốc đang từng bước giảm phụ thuộc vào Mỹ
Tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2024 chỉ còn 14,6% đây là mức thấp nhất kể từ khi nước này gia nhập WTO vào năm 2001. Tổng thương mại với Mỹ hiện chỉ chiếm 11,2% tổng kim ngạch xuất , nhập khẩu của Trung Quốc. Ngược lại, hàng hóa Mỹ chỉ chiếm 6,3% trong tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này phản ánh một chiến lược rõ ràng từ Bắc Kinh: không còn đặt cược toàn bộ vào thị trường Mỹ.
Cấu trúc thương mại khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn
Trung Quốc xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật và lao động cao như máy tính, điện thoại, thiết bị viễn thông, đồ điện tử và dệt may. Đây là các ngành rất nhạy cảm trước rủi ro thuế quan. Chỉ cần mức thuế tăng 50–100% từ phía Mỹ, các ngành này có thể gánh chịu hậu quả nặng nề.
Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như đậu nành, dầu mỏ, khí đốt – những sản phẩm dễ bị Trung Quốc thay thế bằng nguồn cung khác. Giá trị xuất khẩu của Mỹ cũng không lớn bằng Trung Quốc nên khả năng chịu tổn thất có phần thấp hơn.
Chiến lược đa dạng hóa thị trường của Trung Quốc đã bắt đầu phát huy hiệu quả
Thay vì phụ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc đang mở rộng mạnh mẽ thương mại sang các thị trường khác. ASEAN đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với tổng kim ngạch năm 2024 đạt 885 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang EU, châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, đồng thời thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường” với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ USD tại 147 quốc gia.
Khối BRICS+ mà Trung Quốc là một trong những thành viên chủ chốt hiện chiếm tới 40% thương mại toàn cầu. Đây chính là nền tảng để Trung Quốc từng bước tạo ra một trật tự kinh tế đa cực, không còn bị phụ thuộc vào phương Tây.

“Vũ khí đất hiếm” chính là lợi thế chiến lược của Trung Quốc
Một trong những lợi thế chiến lược lớn nhất của Trung Quốc chính là khả năng kiểm soát tới 90% khâu tinh luyện đất hiếm toàn cầu bao gồm nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất chip, xe điện, quốc phòng và các công nghệ cao. Nếu Trung Quốc quyết định cắt nguồn cung đất hiếm sang Mỹ, chuỗi cung ứng các ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ sẽ bị tê liệt nghiêm trọng.
Nhưng Mỹ cũng có cái giá phải trả
Theo Viện Tax Foundation, nếu Mỹ áp thuế cao hơn với hàng hóa Trung Quốc, GDP nước này có thể giảm 0,4%. Chi phí sản xuất tăng sẽ khiến giá hàng hóa leo thang, gây áp lực lạm phát trong nước. Các doanh nghiệp Mỹ có thị phần lớn tại Trung Quốc như Apple, Tesla, Nike, Boeing… sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Bắc Kinh trả đũa bằng các biện pháp kinh tế.
Trung Quốc có nhiều “quân bài” phản công
Không chỉ nắm trong tay đất hiếm, Trung Quốc còn có nhiều công cụ phản đòn:
- Áp đặt lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng chiến lược
- Trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc
- Bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, khi mà Trung Quốc vẫn là một trong những chủ nợ lớn nhất
- Phá giá Nhân dân tệ có kiểm soát để hỗ trợ xuất khẩu
- Cấm nhập khẩu có chọn lọc với hàng hóa Mỹ
Trung Quốc đang xây dựng một mạng lưới kinh tế toàn cầu
Trung Quốc đang thiết lập các mối quan hệ chiến lược mới, tạo nên một chuỗi cung ứng và tài chính thay thế hệ thống phương Tây:
- Với Nga: thương mại song phương đạt 240 tỷ USD
- Với Iran: ký kết hợp đồng dầu khí trị giá 400 tỷ USD
- Tại châu Phi, Mỹ Latinh: tăng nhập khẩu nguyên liệu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng
- Tại Trung Đông: hợp tác tài chính và xây dựng hạ tầng ngày càng chặt chẽ
Nếu thương chiến tiếp tục leo thang: cả hai cùng thiệt
Dự báo cho thấy nếu căng thẳng thương mại leo thang, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2025 có thể giảm còn 3,4% (so với mức 4,7% nếu không có xung đột). Mỹ cũng sẽ đối mặt với giảm tốc kinh tế, đặc biệt là tiêu dùng nội địa bị ảnh hưởng do chi phí hàng hóa gia tăng.

Việt Nam và ASEAN: Cơ hội đi kèm rủi ro
Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 tăng 23,1%, đạt 134 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nếu bị nghi ngờ là “đội lốt hàng Trung Quốc”.
Trong bối cảnh thế giới có nguy cơ phân cực thành hai khối đối đầu Trung Quốc + đồng minh vs. Mỹ + phương Tây. Thì các quốc gia trung lập như Việt Nam sẽ cần đi dây hết sức khéo léo để không bị cuốn vào vòng xoáy chính trị, kinh tế đầy rủi ro này.
Đọc vị bàn cờ toàn cầu để vững vàng đi tới
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ không còn là câu chuyện của hai cường quốc, mà đã trở thành bàn cờ toàn cầu nơi mọi nước đều phải tính toán. Trung Quốc không còn phụ thuộc như trước, và Mỹ cũng không dễ tổn thương. Cả hai đang chủ động chuẩn bị cho kịch bản dài hơi. Trong bối cảnh đó, quốc gia nào chủ động thích nghi, biết khai thác thời cơ và kiểm soát rủi ro hiệu quả, quốc gia đó sẽ không chỉ “sống sót” mà còn có thể vươn lên mạnh mẽ.
Coppyright Học Viện Videmi